Chỉ số thu nhập GNI bình quân đầu người năm 2020 của Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 34.580 USD, gấp 1,6 lần địa phương xếp thứ hai là Quảng Ninh.

Báo cáo chỉ số phát triển con người (HDI) do Tổng cục Thống kê công bố ngày 30/3 đánh giá chỉ số HDI của cả nước và 63 tỉnh, thành dựa trên 3 tiêu chí gồm: Sức khỏe, giáo dục và thu nhập. Để tính chỉ số thu nhập bình quân đầu người của từng địa phương, Tổng cục Thống kê dựa vào tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người theo sức mua tương đương, được quy về đôla Mỹ.

Theo xếp hạng, trong 10 địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước năm 2020, 5 tỉnh, thành thuộc đồng bằng sông Hồng gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Hải Phòng. 4 địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP HCM.

Trong top 10 này, Thái Nguyên là địa phương duy nhất nằm ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, mức thu nhập bình quân đầu người là 12.960 USD, bằng 1/3 so với địa phương dẫn đầu Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngược lại, trong 10 địa phương có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất năm 2020 có đến 8 tỉnh ở trung du và miền núi phía Bắc, một ở Tây Nguyên và một ở đồng bằng sông Cửu Long.

Chênh lệch thu nhập giữa địa phương thấp nhất Hà Giang với cao nhất Lạng Sơn trong nhóm này xấp xỉ 2.000 USD. Đây cũng là nhóm có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

Về tốc độ tăng trưởng GNI, một số địa phương có mức tăng cao trong giai đoạn 2016-2020 là Hải Phòng, Ninh Thuận 1,74 lần, Thanh Hóa 1,66 lần, Quảng Ninh 1,61 lần, Lào Cai 1,57 lần.

Trên bình diện cả nước, GNI bình quân đầu người năm 2016 hơn 6.211 USD; năm 2020 là 8.132 USD. Mức tăng giai đoạn 2016-2020 của cả nước bằng 130%, tức xấp xỉ 7% mỗi năm.

So với các nước trong khu vực, GNI bình quân đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Timor Leste và Campuchia. Năm 2019, GNI bình quân đầu người của Singapore đạt hơn 88.000 USD, gấp 11,2 lần Việt Nam; Brunei đạt 64.000 USD, gấp 8,2 lần; Malaysia đạt 27.600 USD, gấp 3 lần. Thái Lan, Indonesia và Philippines cũng cao hơn Việt Nam với mức chênh lệch gấp 1,2-2,3 lần.

Nhìn nhận về các chỉ số, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng các địa phương nằm trong top đầu về thu nhập bình quân đầu người đều sở hữu nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, nhất là khối thương mại, công nghiệp, dịch vụ và du lịch, tốc độ tăng trưởng rất cao.

Ví dụ Bà Rịa – Vũng Tàu có nguồn lợi lớn từ dầu khí, công nghiệp và thu nội địa; Bình Dương, Bắc Ninh đều là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hay Quảng Ninh bên cạnh tài nguyên khoáng sản, khối dịch vụ cũng được chú trọng, đem lại nguồn lợi rất lớn.

Tuy nhiên, khi nhìn sâu hơn vào cách tính thu nhập bình quân bằng tổng sản phẩm (GDP) chia cho đầu người, ông Thành lưu ý chỉ số này không phản ánh sát thu nhập thực tế của người dân ở địa phương đó. Ví dụ Bà Rịa – Vũng Tàu có GDP trên đầu người rất cao, nhưng phần thu nhập thực chất ở lại của địa phương không cao như vậy.

“HDI dựa trên cả tiêu chí y tế, giáo dục, địa phương có nguồn thu lớn chưa chắc có chỉ số phát triển con người cao hơn địa phương thu nhập thấp hơn, nếu chỉ số về tiếp cận y tế, giáo dục thấp”, ông Thành phân tích.

Chuyên gia này cho rằng chú trọng tăng trưởng nhưng các địa phương cần lưu ý hơn đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đời sống người dân, dịch vụ công, y tế, giáo dục thì mới có thể đạt được thứ hạng cao trên bảng HDI cả nước.

Nguồn: vnexpress.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *