Đó là khẳng định của ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam tại báo cáo toàn cảnh thị trường BĐS nhà ở Tp.HCM và vùng phụ cận diễn ra tại Tp.HCM sáng 7/1.

Theo ông Lâm, trong năm 2021 triển vọng về thị trường BĐS vẫn rất lạc quan. Tâm lý xem BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, khó tìm được kênh nào tốt hơn.

“Lúc mà nhiều người quan ngại về thị trường BĐS chính là lúc chúng ta lựa được BĐS tốt nhất”, ông Lâm nhấn mạnh.

Trong buổi báo cáo, ông Lâm cũng chỉ ra những lực đẩy cho thị trường BĐS năm 2021.

Năm 2021, để vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn phát triển mới, thị trường BĐS nhà ở sẽ cần nhiều lực đẩy giúp phục hồi và tăng tốc trở lại. Một trong những yếu tố đáng lạc quan là diễn biến kinh tế vĩ mô và công tác kiểm soát dịch bệnh rất tốt của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2.91% so với năm 2019 dù năm qua có nhiều biến động. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6.8% trong năm 2021 – mức tăng trưởng thuộc hàng đầu thế giới. Điều này mang đến triển vọng, cơ hội và nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS chuyển mình.

Theo ông Phạm Lâm, thời điểm này chính là cơ hội để lựa chọn được BĐS tốt

Bên cạnh đó, các chính sách pháp lý chính thức có hiệu lực trong năm 2021 như Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Thông tư 21/2019/TT-BXD, Nghị định 148/2020/NĐ-CP,… sẽ giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn. Đặc biệt, việc thành lập thành phố Thủ Đức và chủ trương đẩy mạnh triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trong năm 2021 cũng là lợi thế thúc đẩy thị trường bứt phá.

Trên nền tảng trên, theo ông Phạm Lâm, cần có thêm những giải pháp kích hoạt lực đẩy thị trường BĐS năm 2021. Cụ thể, về chính sách pháp lý: Hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản Nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường. Các quy trình pháp lý cần được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc thủ tục, sớm hoàn thiện pháp lý dự án. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung và góp phần ổn định mặt bằng giá trên thị trường.

Về hạ tầng giao thông: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông sớm đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, quy hoạch thành phố Thủ Đức cần được Nhà nước ban hành hướng dẫn cụ thể hơn để doanh nghiệp và người dân chủ động có chiến lược phát triển phù hợp.

Về vai trò của doanh nghiệp bất động sản: Doanh nghiệp nên đa dạng hóa kênh tiếp cận nguồn vốn mới từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư ngoại,… để nâng cao năng lực tài chính, hạn chế phụ thuộc vào kênh huy động vốn từ khách hàng. Đồng thời, chủ đầu tư phải chú trọng đầu tư cảnh quan, tiện ích dự án, đảm bảo chất lượng công trình và áp dụng linh hoạt các chính sách bán hàng,… nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các mô hình vận hành để cải tiến chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí. Quan trọng hơn hết, các doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật, tránh những sai phạm gây bất ổn cho thị trường và xã hội.

Về phát triển BĐS xanh, bền vững: Đây là xu thế tất yếu cho thị trường và các doanh nghiệp. Trong dài hạn, dự án đáp ứng các tiêu chí xanh và bền vững sẽ mang lại nhiều giá trị cho người mua, chủ đầu tư và cả cộng đồng. Do đó, BĐS xanh và bền vững nên được các chủ đầu tư chú trọng hướng tới trong tương lai gần.

Nguồn: Cafef

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *