Những chính sách mới giúp ổn định thị trường, bất động sản công nghiệp tiếp đà tăng trưởng, phân khúc bất động sản văn phòng thêm phần sôi động là những yếu tố lạc quan về thị trường bất động sản trong quý II/2022.
Nhận định về tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông David Jackson – Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam cho biết, cùng với đà hồi phục chung của nền kinh tế, có nhiều yếu tố khiến chúng ta tiếp tục lạc quan về thị trường.
Những chính sách giúp thị trường phát triển ổn định
Về mặt chính sách, việc các cơ quan chức năng có những quyết sách cụ thể tiếp theo ra sao với việc siết tín dụng bất động sản sẽ có tác động quan trọng bậc nhất với những diễn biến của phân khúc căn hộ, nhà liền thổ và bất động sản nghỉ dưỡng. Các chính sách nhằm điều tiết dòng vốn “chảy” nhiều hơn vào các ngành sản xuất và hướng đến những người có nhu cầu ở thực nhằm giúp họ có được chốn an cư là hết sức quan trọng và cần thiết. Những chính sách như vậy sẽ từng bước khiến cho thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế nói chung phát triển ổn định và bền vững hơn.
Việc đảm bảo sự cân bằng giữa việc duy trì sự năng động của thị trường bất động sản, ngăn chặn nguy cơ hình thành “bong bóng” và đáp ứng nhu cầu thực có ý nghĩa lớn trong việc ổn định thị trường vĩ mô để tiếp tục hướng đến các mục tiêu chung cho toàn xã hội.
Bất động sản công nghiệp tiếp đà tăng trưởng mạnh
Lĩnh vực bất động sản công nghiệp nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ do nhiều điều kiện khách quan thuận lợi, bao gồm sự năng động của thương mại điện tử. Trên thực tế, hành vi tiêu dùng của người dân đã thay đổi mạnh mẽ hơn sau các đợt bùng phát của đại dịch Covid-19, khiến cho việc mua sắm trực tuyến càng trở nên phổ biến và nhu cầu về kho bãi và hậu cần cũng tăng mạnh. Việc mua sắm xuyên biên giới đang ngày càng tiện lợi hơn khi mà khách hàng tại Việt Nam hiện có thể mua hàng từ Taobao thông qua Lazada hoặc Shopee đã bổ sung thêm các cửa hàng tại Hàn Quốc và Indonesia bên cạnh thị trường Trung Quốc. Thêm vào đó, việc dòng vốn FDI tiếp tục đến với Việt Nam cũng khiến phân khúc bất động sản công nghiệp hưởng lợi.
Trong 4 tháng đầu năm nay, vốn FDI đạt 10,8 tỷ USD (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dù chỉ bằng 88,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn là một con số đầy lạc quan. Không có gì bất ngờ khi thời gian tới đây các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục đến với Việt Nam mang theo nguồn vốn FDI đáng kể.
Phân khúc bất động sản văn phòng thêm phần sôi động
Thời gian tới, phân khúc bất động sản văn phòng sẽ thêm phần sôi động và đây cũng là xu hướng chung của thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nguồn cung, nhu cầu và tỷ lệ lấp đầy văn phòng tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng đều đang có được các chỉ số tốt, cho thấy sự hồi phục nhanh chóng của phân khúc này. Việc mở lại đường bay quốc tế vào cuối quý I/2022 có thể xem là một trong những yếu tố kích cầu đáng kể nhất không chỉ đối với phân khúc văn phòng nói riêng mà còn với cả thị trường bất động sản nói chung.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi), ước tính nhu cầu lao động năm 2022 sẽ tăng lên 310.000 việc làm, chủ yếu từ ngành thương mại, bất động sản và sản xuất điện tử. Đáng chú ý, ngành công nghệ thông tin và truyền thông (chiếm hơn 50% diện tích tiêu thụ mới trong quý I/2022) nhiều khả năng trở thành ngành mũi nhọn tạo ra nhu cầu thuê văn phòng trong thời gian tới do thu hút mạnh các doanh nghiệp FDI./.
Nguồn: reatimes.vn.